Nhìn lại một số khu vực từng là tâm điểm sốt nóng của thị trường nhà đất có thể thấy, làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền đã giảm nhiều so với thời điểm đầu năm 2018. Minh chứng là từ đầu tháng 5, nhiều nhà đầu tư đã có động thái rút chân khỏi thị trường hoặc chuyển hướng đầu tư sang khu vực mới.
Ồ ạt cắt lỗ đất đặc khu
Sau các thông tin điều chỉnh mới về đặc khu của Chính phủ được công bố, hàng loạt nhà đầu cơ, lướt sóng đã rầm rộ rao bán cắt lỗ đất nền tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Viết Xuân, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, ngay khi thấy dấu hiệu trầm lắng xuất hiện trên thị trường, ông đã nhanh tay bán số đất mà mình đã đầu tư tại Vân Đồn. Mặc dù số lời thu được không cao do giá mua vào đã gần chạm đỉnh, nhưng ông cũng mừng vì đã kịp bán hết số đất đang “ôm”.
Được biết, giá đất nền, đất dự án tại Phú Quốc đã giảm trung bình từ 20-30% so với thời điểm sốt giá. Giá của một lô đất được bán ra đã giảm tới 200-500 triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng nhưng vẫn bị mặc cả. Giá đất ở khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng ghi nhận giảm từ 30-50%. Giá đất thổ vườn ở một số khu vực của xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa nếu cách đây 3 tháng được hét lên đến hàng tỷ đồng/lô thì nay dù đã giảm tới 50% nhưng vẫn không bán được. Giá của mỗi công đất lúc này đã rớt tới 500 triệu - 1 tỷ đồng, tùy vị trí.
Anh Văn Hải, đại diện SGD BĐS Tân Vạn cho biết, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo lắng và có động thái giảm giá để ra hàng nhanh. Khó khăn nhất hiện nay là các nhà đầu tư liều lĩnh mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch, giờ bán không ai chịu mua. Nhiều lô đất vườn cằn cỗi, đất rừng lúc cao điểm được mua vào giá 5-7 tỷ đồng/lô nay đang ế chỏng chơ vì không sang nhượng được.
Thị trường Nhơn Trạch giảm nhiệt, dân đầu cơ chuyển hướng
Tương tự, sau thời gian dài liên tục đón sóng đầu tư, đến tháng cuối quý II/2018, giao dịch nhà đất tại thị trường Nhơn Trạch cũng đã chững lại, thị trường dần giảm nhiệt. Nhiều nhà đầu tư có động thái rời bỏ thị trường bằng cách bán ra tất cả các lô đất mình đang nắm giữ.
Theo đại diện một SGD nhà đất tại Nhơn Trạch, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6, lượng giao dịch thành công giảm rõ rệt. Nếu cao điểm tháng 4, tháng 5, một tuần sàn của anh thực hiện từ 7-10 giao dịch mua bán thì hiện tại chỉ còn tầm 3-4 giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, một nhà đầu tư vừa quyết định rút khỏi thị trường Nhơn Trạch để dồn vốn đầu tư vào thị trường mới chia sẻ: “Tháng 9/2017, vợ chồng tôi đã mua gần 2ha đất tại Nhơn Trạch và lần lượt bán ra hết vào cuối tháng 4 vừa qua. Dù khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận lớn nhưng nhận thấy nhu cầu mua đất tại Nhơn Trạch đã chững lại, xu hướng tăng giá dần chấm dứt nên tôi chuyển hướng sang khu vực đầu tư mới để tránh rủi ro”.
Ông Đỗ Quang Thuận, GĐ Công ty Tư vấn BĐS Nhơn Trạch cho rằng, BĐS Nhơn Trạch đã qua thời điểm nóng sốt nhất, giá hiện tăng khá cao và khó có thể tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn nên việc nhiều nhà đầu tư bắt đầu rút lui là điều rất bình thường.
Giới đầu cơ bán tháo bất động sản Củ Chi
Tại Củ Chi, nhà đầu cơ lướt sóng cũng có động thái bán tháo bất động sản khi thị trường nhà đất bước vào giai đoạn thoái trào, giao dịch ảm đạm, giá đất giảm sâu sau thời gian nóng sốt.
Theo nhân viên của một văn phòng nhận ký gửi nhà đất ở thị trấn Củ Chi, mỗi ngày đều có ít nhất 2-3 khách hàng liên hệ nhờ bán đất, đa phần là cần bán gấp trong thời gian từ 1-2 tháng và chấp nhận thương lượng giá. Nhưng trong số 10 người đến giao dịch thì có đến 8 người bán, chỉ có 2 người mua và chủ yếu mua đất thổ cư trong khu trung tâm.
Khu vực xã Bình Mỹ từng là tâm điểm giao dịch nhà đất Củ Chi nay cũng chỉ lác đác 1-2 giao dịch. Số lượng đất cần bán ra gấp tại đây cũng khá nhiều.
Mặc dù đã chấp nhận giảm đến 30% giá bán so với đợt cao điểm tháng 4 nhưng hiện nhiều nhà đầu tư vẫn “mắc kẹt” tại Củ Chi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm giá đất tại huyện Củ Chi là do các nhà đầu tư đua nhau bán chốt lời. Thời điểm đầu sốt nóng, đất Củ Chi bị "bơm" giá lên cao, khách mua lúc đó lại chủ yếu là dân đầu tư lướt sóng. Hiện giờ đất hết sốt, họ tìm cách bán ra nhanh nên giao dịch rơi vào 1 chiều, bán nhiều mua ít. Đặc biệt, đất được các nhà đầu tư mua để đón đầu các dự án khủng hiện quay đầu giảm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, làn sóng cắt lỗ, tháo chạy của giới đầu cơ cũng được ghi nhận tại thị trường Đà Nẵng, Long An. Cụ thể, khối lượng giao dịch, mua bán nhà đất tại Đà Nẵng đang giảm dần do giới đầu cơ có động thái “quay đầu”. Tại Long An, việc nhà đầu tư rút khỏi thị trường cũng khiến giá đất giảm sâu.
Theo các chuyên gia BĐS, do giá mua - bán thời gian qua đa phần là giá ảo nên khi thị trường chững lại, nhà đầu tư sẽ rời khỏi thị trường ngay lập tức. Một là nhanh chóng thoát hàng hoặc dừng hoạt động mua bán, hai là bán lỗ để thu lại vốn. Không ít người chấp nhận mất vài tỷ đồng, dừng cuộc chơi với đất đai vì sợ mất "cả chì lẫn chài". Tuy nhiên, làn sóng cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường chỉ diễn ra ở những nhà đầu tư vốn nhỏ, có tư tưởng “ăn xổi”, sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà. Còn những nhà đầu tư dài hạn, biết lựa chọn xu hướng, phân tích sự dịch chuyển của thị trường… thì đương nhiên vẫn có cơ hội thành công.
Không đâu như ở Đà lạt, thiên nhiên đã ưu đãi quá nhiều kể cả khí hậu lẫn cảnh quan. Những ai đã từng đến nơi đây một lần sẽ cảm nhận được không khí mát lành như thế nào, sáng sớm thức dậy bước ra ngoài bạn có cảm tưởng như mình vừa rời khỏi chăn êm nệm ấm thì ai đó đã quẳng mình rơi vào trong một chiếc tủ lạnh khổng lồ, cái tủ lạnh đó không tối tăm như những điều bình thuờng mà nó mang một cảm giác vừa lạ vừa sảng khoái. Hít một bầu không khí no căng lồng ngực bạn sẽ thấy ngày hôm nay sao đẹp một cách lạ lùng. Cái hơi lạnh buổi sáng mang đến cho bạn một sự tinh khiết, tinh khiết đến thanh cao và bình dị....